Theo hiểu biết và kinh nghiệm của tôi, có thể chia việc Học lái xe thành bốn phần chính: (1) Nguyên lý cấu tạo, vận hành của xe hơi, (2) Luật giao thông đường bộ, (3) đạo đức người lái xe), và (4) thực hành lái xe (trong sa hình, ra đường phố và đi đường trường). Khi thi sát hạch để được cấp bằng lái xe, người ta yêu cầu bạn phải vượt qua hai môn thi Lý thuyết và Thực hành.
Tuy nhiên, đọc bài của bạn mà tôi cũng toát mồ hôi. Sao lại khổ sở thế ? Vì vậy, xin mọi người hãy coi đây là sự chia sẻ kinh nghiệm, để những bạn nào có ý định học và thi lấy bằng lái xe tham khảo, để hiểu và tin rằng việc học và thi lấy bằng lái xe thực ra không đến nỗi quá khó khăn, phức tạp như lời đồn thổi, nếu mình có phương pháp thích hợp.
Vì cái sự học là vô bờ, nên ở đây tôi chỉ đề cập đến việc làm thế nào để thi đậu 100% mà không nhờ quen biết, cũng chẳng chung chi, không nhờ vào mẹo vặt (học tủ), vào ra trường thi như chỗ không người, không đến nỗi quá “tim đập, răng rung” (vì đã tự tin), để coi “Cò” (bằng lái) như chẳng có.
Về phần thi Lý thuyết: cách đây hơn hai năm, tôi phải học để thi trên máy tính với 300 câu hỏi, điểm tối đa là 30. Bây giờ nghe nói thì tổng số câu hỏi tăng lên 450. Vậy, học thế nào để chắc chắn thi đậu phần lý thuyết ? Khi sắp thi, tôi lấy một tờ giấy A4, viết lên đó lần lượt các con số đóng khung tròn từ 1 đến 300, và ở ngay sau các con số chỉ thứ tự các câu hỏi đó, tôi ghi đủ bốn chữ cái (a), (b), ( c ) và (d), thể hiện đúng số lượng phương án mà thí sinh phải chọn để đánh dấu vào phần bài thi trên máy tính.
Sau đó, tôi đem photocopy tờ giấy A4 đó ra thành 20 bản sao. Xong xuôi, tôi bắt đầu quá trình tự “hành xác’, bằng việc tự trả lời các câu hỏi (đánh dấu chéo vào phương án mà mình chọn). Trước khi trả lời câu hỏi nào thì tra sách, giáo trình để học kiến thức có liên quan. Khi đã trả lời xong đủ 300 câu hỏi, tôi so sánh bài làm của tôi với danh sách đáp án cho từng câu. Khi phát hiện mình sai, tôi cố gắng tìm hiểu xem vì sao.
Cũng có khi đáp án sai, làm tôi rất vất vả để tìm câu trả lời đúng. Cứ như vậy, sau vài buổi tối, phần bài làm sai của tôi ít dần, cho tới khi không còn sai nữa. Sát ngày thi, tôi dùng đĩa CD có phần bài thi trắc nghiệm để làm trên máy tính. Vào ngay trước ngày thi, khả năng làm bài trên máy của tôi đã đạt tới độ trả lời sai còn khó hơn là làm đúng.
Đến đây, có bạn sẽ nói rằng khi vào thi còn phụ thuộc nhiều ở tâm lý nữa. Vâng, bạn có thể cũng đúng. Tuy nhiên, các bạn thí sinh bây giờ đa phần là trẻ, hầu hết cũng đã làm quen với thi cử, nhất là thi trắc nghiệm, đố vui… Vì vậy, việc thi trắc nghiệm trên máy tính sẽ chẳng mấy khó khăn, nhất là khi bạn đã làm quen kỹ với việc đó từ ở nhà. Thi lý thuyết trên máy sướng thật, vì máy nó không biết ăn hối lộ, không cáu gắt, không hỏi vặn vẹo để cố tìm vấn đề mà mà thí sinh không biết, cũng chẳng biết ghét ai, dù thì sinh có chẳng may bị bệnh hôi miệng, hay lỡ quên tắm vài ngày… !
Để chuẩn bị cho bài thi thực hành, tôi cũng làm “bài tập ở nhà” nhiều. Về sau này, khi đã trở thành một người biết lái xe tạm đủ để đi ra đường, đã sử dụng chiếc xe của mình một thời gian, tôi mới nhận thấy rằng điều quan trọng nhất đối với bài thi trong sa hình ở trường thi là CẢM GIÁC LÁI. Ba chữ đó thôi cũng đòi hỏi bạn phải luyện tập và rút kinh nghiệm rất nhiều, sao cho khá thuần thục, để bắt đầu có được kỹ năng điều khiển xe trong những tình huống khác nhau.
Ngoài những yếu tố ảnh hưởng khác, như sức khỏe tổng quát, khả năng phản xạ nhanh và chính xác, thị lực và năng khiếu, vốn là thuộc tính riêng của mỗi cá nhân, kỹ năng là thứ “có thể mua được bằng tiền” ! Thật vậy, Trường lái xe, nơi mà thời gian cho việc thực hành lái xe và để có được tương đối đủ những chỉ dẫn của các thầy giáo đối với tôi đã là quá ngằn ngủi.
Tôi chưa có được đủ kỹ năng khi kết thúc thời gian học ! Vì vậy,sau đó tôi đã phải trả tiền thêm, để nhờ các thầy dạy thực hành tự do ở ngoài kèm tiếp. Với các thấy đó, tôi đã có thêm 10 giờ tập trên sa hình ở hai trường dạy lái khác nhau (học riêng bài khởi hành trên dốc 2 giờ, lùi “chuồng” 3 giờ); và khoảng 10 giờ lái xe trên phố vào những thời điểm đông đúc nhất (mỗi lần chỉ học lái 1 giờ).
Sau đó, tôi cũng thuê hai xe khác nhau với phanh (thắng) phụ, có thầy ngồi bên, lái ra đường trường: Tp. HCM – Vũng Tàu (130 km x 2) và Tp. HCM- Đà Lạt (350 km x 2). Với các loại đường khác nhau, các loại (hiệu) xe, và chất lượng xe, khác nhau, cùng với các thầy giáo khác nhau, bạn có thể học được rất nhiều điều bổ ích, trong đó có cả bài tập về sự nhẫn nhịn, tự chủ, nhất là khi các thầy chửi tục bên tai, mà mình vẫn lái xe ngon lành (bài học tự chủ, tập trung tinh thần và sức lực để vượt qua khủng khoảng !). Lâu nay mình không bị ai chửi, bây giờ bị, khó chịu vô cùng ! Tựu trung lại, những giờ học với thầy (tư) rất bổ ích, mình học được rất nhiều “chiêu” độc, cả về việc hiểu và vận dụng Luật, kỹ thuật lái xe, lẫn những địa chỉ và thực đơn ẩm thực ở nhiều địa phương khác. Những điều này không chỉ có ích cho phần thi ở Trường, mà còn có ích cho mình đến tận bây giờ. Cuối cùng, tôi thuê xe của trường thi Hóc Môn để thi thử 2 giờ tại đó, để làm quen với bài thi và điều kiện của trường thi.
KẾT QỦA KỲ THI: Mình vượt qua phần thi lý thuyết với điểm tuyệt đối, và trong bài thi thực hành thì bị trừ điểm một lần (lâu ngày cũng quên mất là vì sao), đủ để tự hào rằng mình đã được dạy và học tử tế, thi tử tế và khi lái xe ra đường sau đó cũng đã biết lái cho tử tế.
(Ghi chú: Vì mình có khả năng tiếp thu trong lĩnh vực này không nhanh như nhiều bạn khác, nên mới phải chọn cách học thêm như vậy. Những nội dung ở trên chỉ là kinh nghiệm cá nhân, không hàm ý là tiền có thể luôn mua được kỹ năng đầy đủ chỉ trong một thời gian học lái nhất định trước khi thi. Kỹ năng đầy đủ được xây dựng, hình thành và phát triển theo thời gian thực hành, rút kinh nghiệm, và qua việc sử dụng nhiều tiền (nộp phạt oan và cả không oan) hơn nữa trong tương lai).