Giữ tư thế đúng khi lái xe

Về xa nhất rất khó nói. Trước tiên là “áp lưng”, có nghĩa là toàn bộ thân hình từ mặt sau đùi, đến mông (vào mặt ghế), và từ lưng đến tận đỉnh đầu (áp vào lưng ghế) đều phải chạm vào ghế lái, ban đầu bạn sẽ cố “ép người” thì mới làm được điều này.

Trước khi vào vấn đề mình xin dẫn nhập một chút về vấn đề tâm lý. Chắc phần lớn các “bác giai” đều đã một vài lần đến quán bi-a, đây là một trò chơi thể lực, trí tuệ và kết quả được quyết định bằng các yếu tố vật lý. Tuy nhiên, một số bác sau khi đánh bi-a rồi vẫn uốn éo thân mình theo đường bi lăn, làm như thể các bác uốn thế thì viên bi nó “thần giao cách cảm” mà lăn theo ý muốn.

Nếu chịu quan sát, các bác sẽ thấy khoảng 30% “tài già” và đến hơn 90% “lái mới” đem cảm giác này vào việc cầm lái. Vì thế, nhiều tài cứ “nhấp nha nhấp nhổm” trên ghế lái trông phát mệt. Nếu việc này chỉ ảnh hưởng đến hình thức thì cũng chẳng đáng để bàn. Tuy nhiên, nó lại là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đau mỏi cổ, vai, lưng và cảm giác chân côn không đều.

Mình tạm “múa rìu qua mắt thợ” chút để có cái gọi là “hướng dẫn” cho các bạn mới lái. Vì nếu để cảm tính kia xâm nhập thành thói quen, nó sẽ hành hạ bạn cả đời.

Trước hết, bạn phải đặt tiêu chí ngồi vào ghế lái thì phải chỉnh sao cho “xa nhất và thấp nhất có thể” đối với tầm vóc của bạn.

Đa phần đối với người cao trên 1m65 thì hạ ghế kịch sàn là vừa (đối với xe 5 chỗ) không cần bơm ghế lên đâu, các bạn cứ thử, đừng vội phản đối, ban đầu chưa quen nhưng dần dần sẽ hạ được thấp hơn cho mà xem.

Về xa nhất rất khó nói. Trước tiên là “áp lưng”, có nghĩa là toàn bộ thân hình từ mặt sau đùi, đến mông (vào mặt ghế), và từ lưng đến tận đỉnh đầu (áp vào lưng ghế) đều phải chạm vào ghế lái, ban đầu bạn sẽ cố “ép người” thì mới làm được điều này.

Một số bạn ngồi hơi “lỏng” nghĩa là mông không chạm hẳn vào cái góc giữa mặt ghế và lưng tựa, điều này có xu hướng làm bạn cong lưng ở thắt hông khi lái, đây là nguyên nhân dẫn đến đau lưng.

Sau khi áp lưng, bạn ngả ghế ra sau khoảng 20-30 độ so với phương thẳng đứng, lúc này áp mạnh đầu cho chạm vào ghế lái bạn sẽ thấy tư thế hơi ngửa và các cơ có vẻ như căng người ra mới áp sát tất cả vào ghế, đừng khó chịu, dần dần bạn sẽ quen và sẽ hết cảm giác “căng cứng người” này.

Bạn đạp côn kịch sàn và bắt đầu lùi ghế sao cho khoảng cách xa nhất mà vẫn có thể đạp côn kịch sàn mà không cần “với chân”, nghĩa là hơi chùng gối một chút, một chút thôi, không cần nhiều. Với khoảng cách này, bạn sẽ vào số 5 vừa đủ, không với mà cũng không chùng tay. Kéo cái gác tay ở giữa ra, tỳ cả 2 cùi chỏ lên hai bên và bạn có cảm giác như tư thế của một giám đốc đang ngồi trên ghế xa-lông để phỏng vấn nhân viên vậy. Thế là xong!

Bạn cố gắng kiểm soát tư thế này và nhớ là “luôn luôn” giữ nó để cho toàn bộ thân hình và đặc biệt là đỉnh đầu phải tựa vào ghế lái trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khoảng trống của cổ đã có cái lót cổ chịu trách nhiệm (đừng vứt nó đi nhé, khi bán xe người ta tặng cho bạn là nhằm cho bạn dùng chứ không phải để cho đẹp đâu).

Cái mà bạn khó tập nhất là giữ chặt đỉnh đầu mình vào ghế để không “nhổm” ra trước (100% trường hợp bạn mình khi mới tập gặp vấn đề này), chỉ có 2 trường hợp đặc biệt cho phép bạn làm việc này, một là khi ghép dọc vào lỗ trống giữa 2 xe, bạn nhổm ra để khỏi cọ đầu vào xe trước, hai là khi quay đầu ở ngã 3, 4 mà phía trước có chướng ngại vật.

Thứ hai là giữ mông bám vào góc giữa lưng ghế và mặt ghế, các bạn không kiểm soát thì sau khi lái vài km mông bạn sẽ tự “chạy” ra giữa ghế ngay. Ngoài ra có ai tạt đầu, có chiếc xe máy nào bon chen cũng kệ, cứ ngồi thoải mái như thế mà lái, bạn sẽ thấy việc lái rất nhàn nhã và dễ dàng.

Nếu bạn giữ đúng tư thế như thế (hiển nhiên là cũng có lúc ngọ nguậy nhưng là ngọ nguậy cho khỏi mỏi chứ không phải nhọ nguậy để quan sát) thì bạn sẽ có các lợi điểm sau đây.

1 – Tầm quan sát của bạn luôn ổn định và vì thế chỉ cần “lắc đầu qua lại trên ghế lái” là có thể quan sát cả 3 gương chiếu hậu chứ không cần “ngóc đầu ra” quan sát làm gì. Cũng nhờ tư thế ổn định ấy mà việc căn đường theo một số “mốc” trên xe mà bạn đã định là “bất di bất dịch”. Ngoài ra cổ sẽ chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là “trục quay” chứ không còn là “giá đỡ” cho cái đầu nặng trịch nữa.

2 – Lưng sẽ thẳng trong khi lái chứ không cong thành hình chữ C, đây là nguyên nhân gây đau lưng của các tài già.

3 – Chân sẽ thấp, góc lệch với phương ngang ít nên dễ vê côn nhất. Một số người bạn của mình khi mới lái (kể cả mình) lầm tưởng là chân càng gần vuông góc với sàn mới càng dễ vê côn nên hay có xu hướng kéo ghế lái gần vô lăng, vì họ luôn muốn “đạp côn” chứ không phải “chận côn”. Thật sai lầm! Nên tập trung cảm giác vào việc “chận gót chân” xuống sàn và “quên” cái lực cản của côn đi, lúc ấy bạn thấy vê côn sẽ rất nhẹ. Hiển nhiên mỗi lần thoát từ côn ra hay đưa chân vào côn thì bạn sẽ phải nhấc gót khỏi sàn chứ chả có ai có bàn chân dài đến nỗi xoay gót mà vào được.

4 – Khi gác tay vào tựa ghế quen, bạn sẽ không cần nhìn xuống mà chỉ với tay phải ra là chạm vào đỉnh cần số, tránh tình trạng quơ tay tìm kiếm. Tay trái bạn gác vào thành cửa quen (hiển nhiên là cũng có lúc nhấc ra chứ chả ai dán nó vào đó) sẽ làm điểm tựa tạo cho bàn tay của bạn quen một vị trí trên vô lăng và từ đó khi thao tác bạn dễ dàng biết tay mình đang ở đâu trên vô lăng, thường thì ngửa bàn tay ra bạn sẽ ở vị trí 7h và úp bàn tay lại tự nhiên tay bạn sẽ ở gần 9h để đá đèn hoặc xi-nhan.

Đã có lần mình góp ý khi chạy đường trường mà tình hình ổn định bạn có thể chỉ cần ngón cái và ngón trỏ đề lái thì bị chỉ trích rất nhiều, thực ra do mình nói quá ngắn, vì nói như thế có người sẽ tưởng chỉ dùng đầu ngón tay chạm vào thì đúng là không ổn chút nào.

Bạn hãy xoè ngón cái và trỏ ra, cong 3 ngón còn lại để ôm nhẹ vô lăng, sau đó áp ngón trỏ vào tựa dọc và cong theo vành vô lăng, lúc này móc ngón cái vào làm như nó là cái móc treo bàn tay bạn vào vô lăng thì bạn sẽ kiểm soát vô lăng nhẹ nhàng nhưng rất tinh tế, không phải “ghì cứng lấy vô lăng”.

Ngoài ra, nếu tập “xoa vô lăng” bằng tay trái nhuần nhuyễn chứ không cần phải đánh lái bằng 2 tay thì khi cần quay đầu xe tay của bạn khỏi phải “múa may quay cuồng” trông tội nghiệp lắm! (cái này mình bị thầy rầy nhiều lần khi học lấy bằng nhưng “chứng nào tật ấy” mình vẫn không bỏ, và mình nghĩ là mình đúng vì thời đại của thầy tay lái chưa trợ lực nên mới phải “vần” bằng 2 tay)

Vài dòng tâm sự cùng các bạn, mong rằng các bạn đừng “tự hành hạ mình” nữa, nếu bạn nào tin thì thử tập chạy khoảng 5.000km như thế rồi hãy phản hồi.

Chúc các bạn lái an toàn mà nhàn hạ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *